Hệ Thống Điện Nhẹ
Hệ thống điện nhẹ là gì? Khái niệm, mô hình và thành phần hệ thống.
Hệ thống điện nhẹ là một cụm từ nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thực chất không phải ai cũng có thể hiểu một cách chính xác. Qua bài viết này BKAII sẽ cùng các bạn tìm hiểu khái niệm, mô hình và thành phần hệ thống điện nhẹ nhé!
Hệ thống điện nhẹ là một tập hợp các hệ thống công nghệ có liên quan đến nhau phục vụ cho việc quản lý và mạng lại sự tiện ích cho người sử dụng. Theo Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế, hệ thống điện nhẹ trong tiếng Anh là ELV (Extra Low Voltage System) được định nghĩa là bất kỳ hệ thống nào hoạt động ở điện áp không quá 35V AC hoặc không quá 60V DC.
Mặc dù thuật ngữ này là chính xác về mặt kỹ thuật từ quan điểm “điện”, nhưng nó không mô tả một loạt các hệ thống và công nghệ được gọi là hệ thống điện nhẹ trong các tòa nhà. Các ứng dụng của hệ thống ELV là rất lớn và nhiều. Tùy thuộc vào quy mô công trình cũng như yêu cầu của chủ đầu tư, mà sẽ có các hệ thống cơ bản cho nền tảng thông tin liên lạc và bảo vệ, bảo mật cho công trình
Mô hình hệ thống điện nhẹ
Hệ thống điện nhẹ bao gồm các loại sau
- Hệ thống BMS: Hệ thống BMS tích hợp các hệ thống trong công trình để quản lý và giám sát trạng thái nhằm tiết kiệm năng lượng và quản lý tự động.
- Hệ thống âm thanh (PA): Hệ thống âm thanh thông báo công cộng nhằm truyền đạt các thông tin, tin nhắn và thông điệp cũng như thông báo khẩn cấp trong tòa nhà. Ngoài ra, hệ thống này còn có khả năng phát nhạc nền BGM (Background Music) trong công trình.
- Hệ thống tổng đài điện thoại: Là hệ thống thoại nhằm duy trì kết nối liên lạc của tòa nhà với bên ngoài và liên lạc nội bộ.
- Hệ thống camera giám sát: Là hệ thống camera quan sát CCTV/IPTV (Camera tương tự/Camera mạng), dùng trong ứng dụng quan sát hình ảnh hay giám sát an ninh cho công trình.
- Hệ thống mạng lan và internet: Là hệ thống kết hợp các máy tính lại với nhau thông qua các thiết bị nối kết mạng nhằm mục đích trao đổi thông tin và kết nối đến mạng internet.
- Hệ thống kiểm soát vào ra: Đây là hệ thống quản lý ra vào trong công trình, nhằm giới hạn và quản lý các cửa ra vào cũng như các thang máy. Ngoài ra hệ thống này còn được sử dụng cho việc chấm công, tính thời gian đi vào, đi ra.
- Hệ thống truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh: Là hệ thống truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp, có thể sử dụng lấy tín hiệu trực tiếp từ đài phát hoặc thông qua nhà cung cấp dịch vụ truyền hình.
- Hệ thống cảnh báo xâm nhập, cảnh báo cháy: Đây là hệ thống cảnh báo xâm nhập trái phép, cảnh báo cháy hoặc khi có hỏa hoạn xảy ra.
- Hệ thống bãi xe thông minh iParking: Là hệ thống quản lý, kiểm soát vào ra và chỉ dẫn các phương tiện giao thông đỗ đúng vị trí quy định trong khu vực đỗ xe một cách tự động hóa. Tùy theo đặc điểm bãi xe có thể áp dụng các lựa chọn: quản lý xe vào ra, tự động tính phí gửi xe, chỉ dẫn và báo trong các vị trí đỗ xe.
- Hệ thống hội nghị truyền hình: Hệ thống hội thảo truyền hình là một hình thức trao đổi thông tin trực tiếp giữa các thành viên cách xa nhau (có thể trong một quốc gia hoặc trên toàn thế giới). Khi trong cuộc hội thảo truyền hình, các thành viên có thể nhìn thấy nhau, trao đổi, thảo luận và dữ liệu (voice, video, data) cho nhau.
- Hệ thống liên lạc nội bộ: Là hệ thống liên lạc nội bộ, ứng dụng trong các chung cư cao tầng kết hợp quản lý thang máy và bãi đỗ xe. Thông tin liên lạc có thể được truyền tải bằng cả âm thanh và hình ảnh.
- Hệ thống xếp hàng tự động: Là hệ thống sắp xếp khách hàng theo một trình tự cụ thể. Hệ thống xếp hàng tự động được ứng dụng tại các trung tâm giao dịch như: ngân hàng, ủy ban nhân dân, bệnh viện, các trung tâm bảo hành điện thoại, các trung tâm thu cước điện thoại, các cửa hàng mua vé tàu xe, vé máy bay
- Hệ thống gọi y tá trực: Hệ thống gọi y tá nhằm giúp cho bệnh nhân nhanh chóng nhận được sự trợ giúp kịp thời. Chỉ cần một thao tác bấm nút đơn giản, bệnh nhân có thể gọi ngay y tá trực ca đến hỗ trợ tức thời. Hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả phục vụ bệnh nhân cho bệnh viện. Nó còn thống kê cho biết thời gian phục vụ bệnh nhân trung bình mất bao lâu (từ lúc bấm nút đến khi được phục vụ)
- Hệ thống thẻ đa năng: Thẻ đa năng là bước phát triển cao hơn của hệ thống thẻ từ không tiếp xúc. Thẻ đa năng có thể lưu được các thông tin trên bộ nhớ của thẻ. Hệ thống có thể hoạt động độc lập với máy tính, được áp dụng cho việc thanh toán nội bộ, các chức năng liên quan đến tính phí, hoặc kiểm soát vào ra tại khu vực có tính bảo mật cao.